Audio Phút cầu nguyện

Click chuột vào ngày bạn muốn theo dõi nội dung

Ngày 2022-09-18

Chúa Nhật Tuần XXV Mùa Thường Niên

Am 8,4-7; 1Tm 2,1-8; Lc 16,1-13

Chúa Nhật 25 TN - C

 

Ca nhập lễ

 

Chúa phán : “Ta là Đấng cứu độ dân Ta,

trong mọi cơn gian nan thử thách,

nếu chúng kêu cầu Ta,

Ta sẽ thương nhận lời,

và cho đến muôn đời muôn thuở,

Ta sẽ là Chúa Trời của chúng.”

Bài đọc 1

 

Đức Chúa chống lại những kẻ lấy tiền bạc mua người cơ bần.

Bài trích sách ngôn sứ A-mốt.

4Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ
và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ.
5Các ngươi thầm nghĩ :
“Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa ;
bao giờ mới hết ngày sa-bát, để ta bày thóc ra ?
Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm ;
Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ.
6Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần,
đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ ;
cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán.”
7Đức Chúa đã lấy thánh danh
là niềm hãnh diện của Gia-cóp mà thề :
Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng.

Đáp ca

 

Đ.Nào ca ngợi danh thánh Chúa đi !
Người cất nhắc những ai nghèo túng.

1Hỡi tôi tớ Chúa, hãy dâng lời ca ngợi,
nào ca ngợi danh thánh Chúa đi !
2Chúc tụng danh thánh Chúa,
tự giờ đây cho đến mãi muôn đời !

Đ.Nào ca ngợi danh thánh Chúa đi !
Người cất nhắc những ai nghèo túng.

4Chúa siêu việt trên hết mọi dân,
vinh quang Người vượt xa trời cao thẳm.
5Ai sánh tày Thượng Đế Chúa ta, Đấng ngự chốn cao vời,
6cúi xuống để nhìn xem bầu trời trái đất ?

Đ.Nào ca ngợi danh thánh Chúa đi !
Người cất nhắc những ai nghèo túng.

7Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi,
ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro,
8đặt ngồi chung với hàng quyền quý,
hàng quyền quý dân Người.

Đ.Nào ca ngợi danh thánh Chúa đi !
Người cất nhắc những ai nghèo túng.

 

Bài đọc 2

 

Hãy cầu xin Thiên Chúa cho mọi người. Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-mô-thê.

1 Anh thân mến, trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, 2 cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. 3 Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, 4 Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. 5 Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người : đó là một con người, Đức Ki-tô Giê-su, 6 Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người.

Điều này đã được chứng thực vào đúng thời đúng buổi. 7 Và để làm chứng về điều này, tôi được đặt làm người rao giảng và làm Tông Đồ -tôi nói thật chứ không nói dối- nghĩa là làm thầy dạy các dân ngoại về đức tin và chân lý. 8 Vậy tôi muốn rằng người đàn ông hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc.

Tung hô Tin Mừng

 

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đức Giê-su Ki-tô vốn giàu sang phú quý, nhưng đã trở nên khó nghèo, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng

 

Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. 2 Ông mới gọi anh ta đến mà bảo : ‘Tôi nghe người ta nói gì về anh đó ? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa !’ 3 Người quản gia liền nghĩ bụng : ‘Mình sẽ làm gì đây ? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. 4 Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ !’

5 “Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất : ‘Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy ?’ 6 Người ấy đáp : ‘Một trăm thùng dầu ô-liu.’ Anh ta bảo : ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.’ 7 Rồi anh ta hỏi người khác : ‘Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy ?’ Người ấy đáp : ‘Một ngàn giạ lúa.’ Anh ta bảo : ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.’

8 “Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.

9 “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. 10 Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn ; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. 11 Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em ? 12 Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em ?

13 “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.”

Ca hiệp lễ

 

Lạy Chúa, Ngài đã ban huấn lệnh,

truyền chúng con tuân giữ vẹn toàn.

Ước mong sao con hằng vững bước

theo thánh chỉ Ngài ban.

Suy niệm và cầu nguyện

SUY NIỆM 

HÀNH ĐỘNG KHÔN KHÉO

“Mình phải làm gì đây?” (Lc 12,17).

Ông phú hộ đã tự hỏi như thế khi được mùa bội thu.

Ông nghĩ mình sẽ xây một cái kho thật to để chứa

tất cả hoa màu và của cải mình.

Như thế cuộc sống nhiều năm của ông được bảo đảm.

“Mình phải làm gì đây?” (Lc 16,3).

Người quản lý trong bài Tin Mừng hôm nay

cũng đặt một câu hỏi cho mình giống y như vậy,

tuy anh đang ở trong hoàn cảnh khác hẳn.

Anh sắp bị chủ sa thải, vì người ta tố cáo anh

đã phung phí của cải nhà ông chủ.

 

Vì không thấy anh biện hộ cho sự vô tội của mình,

nên ta có thể tin những lời đồn đoán về anh là đúng.

Anh chỉ còn ít thời gian để được giữ chức quản lý,

chỉ còn chút thời gian để kết toán chi thu.

Anh lo âu xem phải làm gì để chuẩn bị cho tương lai,

phải làm gì để khi mất chức còn có người đón tiếp.

Khi nghĩ về tương lai, anh không thấy gì sáng sủa.

Anh không có khả năng cuốc đất, vì sức lao động kém.

Anh không có khả năng ăn xin, vì sợ xấu hổ.

Hẳn anh đã lo nghĩ nhiều trước khi tìm ra giải pháp khả thi.

Cuối cùng anh reo lên: “Ô mình biết phải làm gì rồi!”

 

Nhìn đống sổ sách trước mặt, anh biết mình phải làm gì.

Ông chủ cho mướn đất để người thuê trồng trọt.

Đến mùa thu hoạch ô-liu hay lúa, họ phải trả phần huê lợi.

Anh quản lý đã cho gọi những người mắc nợ đến

và bảo họ ngồi xuống nhanh, và viết giấy nợ.

Anh tự tiện giảm nợ cho họ, dù điều đó làm chủ bị thiệt.

Nợ một trăm thùng dầu, họ chỉ viết năm mươi thôi.

Nợ một trăm bồ lúa, chỉ phải viết tám mươi thôi…

Những người mắc nợ chắc chắn rất vui sướng ngỡ ngàng,

và lập tức coi người quản lý như vị ân nhân đáng kính.

                                                               

Hành động tạm gọi là khôn khéo của anh

cho ta thấy anh đúng là tên quản lý bất lương.

Điều người ta đồn về anh quả là đúng sự thật (Lc 16,2). 

Chẳng nghĩ gì đến quyền lợi của ông chủ,

anh chỉ muốn xây đắp tương lai ổn định cho anh.

Không rõ làm sao ông chủ biết chuyện anh lươn lẹo,

nhưng ông đã chẳng muốn làm to chuyện,

vì nếu người ngoài biết, chính ông cũng bị mang tiếng xấu.

Chúng ta rất ngạc nhiên khi thấy ông chủ khen anh.

Thật ra ông không khen sự bất lương của anh,

nhưng khen sự khôn khéo của anh (Lc 16,8).

Anh biết cách xoay sở để sau này có người đón tiếp.

 

Chúng ta có thể bị sốc khi nghe Chúa Giêsu kể dụ ngôn này,

bởi lẽ Ngài có ý mời chúng ta bắt chước anh quản lý,

một người rõ ràng là bất lương và gian xảo!

Anh ta tượng trưng cho “con cái đời này,”

còn chúng ta là “con cái ánh sáng” (Lc 16,8).

Chúa rất tiếc vì chúng ta không khôn khéo bằng anh ta,

nghĩa là không dám nghĩ và dám làm (Lc 16,3-4)

không biết khéo léo tận dụng những gì Chúa đang ban

như chức vụ, tiền bạc, thời gian và các mối liên hệ mình có,

để chuẩn bị cho mình được đón tiếp vào nơi vĩnh cửu.

Có lẽ vì chúng ta không coi trọng hạnh phúc đời sau

bằng anh quản lý coi trọng hạnh phúc đời này.

 

Dụ ngôn trên đây có cái nhìn rất tươi tắn về của cải,

vì Chúa Giêsu mời ta dùng tiền của để tạo bạn bè.

Bạn bè của ta là những người nghèo cần ta giúp đỡ.

Ngày sau hết, họ sẽ đón ta vào Nước Trời (Lc 16,9).

Không phải mọi người giàu đều khó chui qua lỗ kim.

Chỉ những ai làm nô lệ cho Thần Tài mới bị từ chối.

 

Hãy sử dụng tiền của như một phương tiện Chúa ban.

Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa cho chúng ta giàu có.

Ai trung tín trong việc sử dụng của cải phù du ở đời này

sẽ được Chúa giao phó của cải chân thật ở đời sau.

 

LỜI NGUYỆN

 

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công
chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.


Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.

 

Ngày 2022-09-19

Thứ Hai Tuần XXV Mùa Thường Niên

Cn 3,27-34; Lc 8,16-18

Thứ Hai Tuần 25 TN
Ca nhập lễ

Chúa phán : “Ta là Đấng cứu độ dân Ta,

trong mọi cơn gian nan thử thách,

nếu chúng kêu cầu Ta,

Ta sẽ thương nhận lời,

và cho đến muôn đời muôn thuở,

Ta sẽ là Chúa Trời của chúng.”

Bài đọc 1

 

Đức Chúa giáng lời chúc dữ xuống nhà kẻ gian ác.

Bài trích sách Châm ngôn.

27Hỡi con, khi có thể, con đừng từ chối làm điều lành
cho ai đáng được hưởng.

28Khi có thể cho ngay, thì con đừng có nói :
“Đi đi, mai trở lại, rồi tôi sẽ cho anh.”

29Đừng mưu hại tha nhân,
hại người đang cùng con sống yên ổn.

30Đừng cãi cọ với ai vô cớ,
khi họ chẳng làm gì để hại con.

31Chớ phân bì với ai tàn bạo,
đừng chọn bất cứ con đường nào nó đã đi.

32Vì đối với Đức Chúa, kẻ gian tà là đồ ghê tởm ;
còn những ai chính trực, thì Người nhận làm bạn tâm giao.

33Đức Chúa giáng lời chúc dữ xuống nhà kẻ gian ác,
nhưng tuôn đổ phúc lành
trên nơi ở của những người chính trực công minh.

34Chúa chế giễu đứa hay nhạo báng,
nhưng thi ân cho kẻ khiêm nhường.

Đáp ca

Đ.Lạy Chúa, ai được ở trên núi thánh của Ngài ?

2Kẻ nào sống vẹn toàn,
luôn làm điều ngay thẳng,
bụng nghĩ sao nói vậy,
3amiệng lưỡi chẳng vu oan.

Đ.Lạy Chúa, ai được ở trên núi thánh của Ngài ?

3bcKhông làm hại người nào,
chẳng làm ai nhục nhã.
4abCoi khinh phường gian ác,
trọng ai kính Chúa Trời.

Đ.Lạy Chúa, ai được ở trên núi thánh của Ngài ?

5Cho vay không đặt lãi,
chẳng nhận quà hối lộ
mà hại đến người ngay.
Phàm ai làm những điều này
không hề nao núng chuyển lay bao giờ.

Đ.Lạy Chúa, ai được ở trên núi thánh của Ngài ?

Tung hô Tin Mừng

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng

 

Đèn được đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

16 Khi ấy, Đức Giê-su nói với đám đông dân chúng rằng : “Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. 17 Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng. 18 Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm ; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.”

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, Ngài đã ban huấn lệnh,

truyền chúng con tuân giữ vẹn toàn.

Ước mong sao con hằng vững bước

theo thánh chỉ Ngài ban.

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay chỉ có ba câu có vẻ rời rạc.
Ba câu này thánh Luca đặt nằm ngay sau dụ ngôn về người gieo giống.
Vậy ta phải hiểu các câu này trong bối cảnh của dụ ngôn trên,
một dụ ngôn nói về việc đón nhận hạt giống Lời Chúa.

Sống Lời Chúa cách nghiêm túc là thắp lên một ngọn đèn (c. 16).
Vào thời xưa, người ta dùng đèn dầu, làm bằng đất nung.
Hẳn nhiên ý hướng của người thắp đèn là soi sáng.
Ngọn đèn sáng để soi đường cho “những kẻ khác” vào nhà,
những người chưa được biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa (c. 10).
Vì thế thật vô lý nếu có ai sau khi thắp đèn, rồi lấy cái hũ mà đậy lại,
hay đặt ngọn đèn dưới gầm giường.
Dù có lúc ánh sáng đó như bị che khuất hay trở nên leo lét,
nhưng đời kitô hữu vẫn mãi mãi là ngọn đèn sáng đặt trên giá đèn
cho một thế giới mà bóng tối không ngừng vây bủa tấn công.
“Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ,
để họ thấy những việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha trên trời.”

Dù có lúc họ phải sống ẩn núp trong hang toại đạo,
hay phải chịu sống như giáo hội thầm lặng,
nhưng giữ bí mật hay che giấu lén lút
lại không phải là thái độ thường xuyên của người kitô hữu (c. 17).
Rồi đến ngày cái bí mật phải được vén mở,
cái che giấu phải được đem ra ánh sáng công khai.
Chúng ta có những hiểu biết về Thiên Chúa, về thân phận con người,
về ý nghĩa của khổ đau và cái chết.
Chúng ta có đức tin và niềm hy vọng, có niềm vui và bình an.
Chúng ta biết mình từ đâu đến và đang đi về đâu.
Kitô hữu không thể cất giấu kho tàng đức tin của mình được.
Họ có nghĩa vụ phải chia sẻ cho một thế giới đang khát khao.
Lời Chúa như nén bạc không được phép chôn dấu.

“Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe.” (c. 18).
Có cách nghe kiểu vệ đường, nước đổ lá khoai,
có cách nghe không bám rễ vì sỏi đá,
có cách nghe bị chết ngộp vì cái tâm đầy vọng động.
Nhưng cũng có cách nghe của người giữ chặt lấy Lời
trong trái tim tốt lành và nhẫn nại (c. 15).
Ai nghe Lời Chúa cách hữu ích, người đó sẽ được lợi ích thêm.
Khi ta mở rộng cửa cho Lời Chúa tác động,
Lời sẽ xâm nhập vào đời ta càng lúc càng mạnh mẽ.
Còn ai cứng cỏi từ khước, thì ngay từ đầu, họ đã mất cả chì lẫn chài.

Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta vào thái độ tích cực, dấn thân.
Thái độ của kitô hữu là đứng hẳn về phía ánh sáng.
Nhiệm vụ của chúng ta là thắp sáng, chiếu sáng và đem ra ánh sáng,
để những ngọn đèn nhỏ của ta dẫn nhân loại đến với Ánh Sáng Giêsu.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu
tạ ơn Chúa đã cho chúng con
ánh sáng mặt trời, mặt trăng,
và ánh sáng từ những nguồn năng lượng trên mặt đất.
Tạ ơn Chúa
vì Chúa đã gọi chúng con là ánh sáng.
Ðó là vinh dự
và cũng là một trách nhiệm nặng nề.

Xin cho chúng con có khả năng đẩy lui bóng tối
của hận thù và bất công,
của buồn phiền và thất vọng.

Xin cho chúng con biết giữ gìn ngọn lửa
mà Chúa đã thắp lên trong lòng chúng con,
và biết vâng theo những soi sáng của Chúa
qua từng phút giây của cuộc sống.

Lạy Chúa Giêsu,
cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối
vẫn còn tiếp diễn
trên thế giới và trong lòng chúng con.

Ước gì chúng con
đừng chỉ lo nguyền rủa bóng tối,
nhưng can đảm thắp lên những ngọn lửa,
để cả trái đất ngập tràn ánh sáng Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Ngày 2022-09-20

Thứ Ba Tuần XXV Mùa Thường Niên

Cn 21,1-6.10-13; Lc 8,19-21

Thứ Ba Tuần 25 TN

Ca nhập lễ

Chúa phán : “Ta là Đấng cứu độ dân Ta,

trong mọi cơn gian nan thử thách,

nếu chúng kêu cầu Ta,

Ta sẽ thương nhận lời,

và cho đến muôn đời muôn thuở,

Ta sẽ là Chúa Trời của chúng.”

Bài đọc 1

 

Đức Chúa thấu suốt mọi tâm can.

Bài trích sách Châm ngôn.

1Trong tay Đức Chúa, lòng vua tựa dòng nước chảy,
Người lèo lái đi đâu tuỳ ý Người.

2Con người cho lối sống của mình là ngay thẳng,
nhưng Đức Chúa thấu suốt mọi tâm can.

3Thực thi điều công minh chính trực
thì đẹp lòng Đức Chúa hơn là dâng hy lễ.

4Mắt kiêu hãnh, lòng tự cao,
vẻ hào nhoáng của ác nhân : thảy đều là tội lỗi.

5Kế hoạch người siêng năng hẳn tạo ra lợi nhuận,
ai vội vàng hấp tấp, ắt phải chịu đói nghèo.

6Kho tàng thu tích nhờ môi miệng điêu ngoa
là hơi thở thoáng qua, là bẫy làm thiệt mạng.

10Lòng ác nhân ước ao sự dữ,
ngay bạn bè, nó chẳng để mắt thương.

11Phạt đứa ưa chế giễu, kẻ khờ dại nên khôn,
dạy bảo người khôn, người khôn càng hiểu biết.

12Đấng Công Chính xem xét nhà của ác nhân,
bắt ác nhân lâm vòng tai hoạ.

13Kẻ bịt tai trước tiếng kêu của người cô thế,
đến lúc nó kêu, sẽ chẳng được đáp lời.

Đáp ca

 

Đ.Lạy Chúa, trên đường mệnh lệnh Chúa, xin dẫn con đi.

1Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện,
biết noi theo luật pháp Chúa Trời.

Đ.Lạy Chúa, trên đường mệnh lệnh Chúa, xin dẫn con đi.

27Lạy Chúa, đường lối huấn lệnh Ngài, xin cho con hiểu rõ,
để con suy gẫm những kỳ công của Ngài.
30Đường chân lý, này con đã chọn,
quyết định của Ngài, con khao khát đợi trông.

Đ.Lạy Chúa, trên đường mệnh lệnh Chúa, xin dẫn con đi.

34Xin cho con được trí thông minh
để vâng theo luật Ngài và hết lòng tuân giữ.
35Trên đường mệnh lệnh Chúa, xin dẫn con đi,
vì con ưa thích đường lối đó.
44Luật pháp Ngài, con nguyện hằng tuân giữ
tới muôn thuở muôn đời.

Đ.Lạy Chúa, trên đường mệnh lệnh Chúa, xin dẫn con đi.

Tung hô Tin Mừng

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng

 

Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

19 Khi ấy, mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. 20 Người ta báo cho Người biết : “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy.” 21 Người đáp lại : “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, Ngài đã ban huấn lệnh,

truyền chúng con tuân giữ vẹn toàn.

Ước mong sao con hằng vững bước

theo thánh chỉ Ngài ban.

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Chẳng rõ Đức Giêsu đã xa gia đình ở Nadarét bao lâu,
mà hôm nay Mẹ và anh em Ngài mới đến gặp Ngài.
Có phải vì nhớ, hay vì lo lắng do nghe các lời đồn đại?
Để biết được Ngài đang ở đâu, thì phải hỏi thăm,
bởi hồi đó chưa có những phương tiện truyền thông như bây giờ.
Vì vậy chuyện Mẹ đến được chỗ của Con là một nỗ lực không nhỏ.
Tiếc là khi đã đến nơi Con đang giảng dạy,
thì Mẹ lại không làm sao vào được, vì người đông quá (c. 19).
Chắc Mẹ đã nhờ ai đó vào báo cho Đức Giêsu:
“Có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy” (c. 20).

Các sách Tin Mừng Nhất Lãm đều không cho biết
Đức Giêsu có ra ngoài để đón tiếp Mẹ và các anh em Ngài không.
Điều này khiến ta có cảm tưởng bầu khí đón tiếp hơi lạnh lùng.
Nhưng cả ba Tin Mừng đều kể lại câu nói gây sốc của Ngài:
“Mẹ tôi và anh em tôi chính là những ai nghe lời Thiên Chúa
và đem ra thực hành” (c. 21).

“Mẹ tôi và anh em tôi” là ai? Một câu hỏi quá dễ !
Hiển nhiên đó là những người đang đứng ở ngoài kia.
Mẹ của Ngài là bà Maria, người phụ nữ làng Nadarét,
người đã cưu mang, cho bú mớm, và chăm lo dưỡng dục Ngài.
Anh em là những người họ hàng gần gũi, tuy không phải là anh em ruột.
Mẹ và anh em của Đức Giêsu là những người đang đứng ngoài nhà.
Ngài không hề khinh họ, nhưng Ngài tập trung vào người trong nhà.
Những người ở trong nhà là những người đang ngồi nghe lời Đức Giêsu.
Họ được mời gọi không nghe suông, nhưng đem ra thực hành,
để trở thành mẹ và anh em của Ngài.

Như thế Đức Giêsu đã nới rộng gia đình của Ngài.
Ngài không bó hẹp trong gia đình ruột thịt, mà khai mở một gia đình mới.
Gia đình thiêng liêng thì rộng lớn hơn nhiều,
và mỗi Kitô hữu đều có chỗ trong gia đình đó.
Đức Giêsu có nhiều mẹ và nhiều anh chị em.
Ai nghe và thi hành lời Thiên Chúa thì trở nên mẹ của Ngài,
bởi vì, theo thánh Bêđa, qua gương sáng và lời nói của họ,
họ sinh ra Ngài trong trái tim tha nhân.
Đức Giêsu là Con, luôn nghe và thi hành lời Thiên Chúa Cha.
Bất cứ ai sống như Ngài cũng trở nên con Thiên Chúa,
nên lập tức trở nên anh chị em với Ngài.

Chúng ta ít khi nghĩ tới chuyện mình có họ hàng với Đức Giêsu.
Có một thứ liên hệ còn sâu nặng hơn cả liên hệ máu mủ nữa.
Chúng ta mang dòng máu của Đức Giêsu, dòng máu vâng nghe lời Chúa.
Chính Thiên Chúa nối kết Đức Giêsu và cả nhân loại thành một gia đình.
Trong gia đình đó có chỗ quan trọng cho Đức Maria,
vì hơn ai hết Mẹ là người đã lắng nghe và thi hành lời Thiên Chúa.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Ngày 2022-09-21

Thứ Tư Tuần XXV Mùa Thường Niên

Thánh Matthêu, Tông đồ, Tác giả sách Tin Mừng, lễ kính

Ep 4,1-7.11-13; Mt 9,9-13

Lễ Thánh Mátthêu

 

 

 
Ca nhập lễ

Chúa nói :

“Anh em hãy đi đến với muôn dân,

làm phép rửa cho họ,

dạy bảo họ tuân giữ

những điều Thầy đã truyền cho anh em,

để muôn dân trở nên môn đệ của Thầy."

Bài đọc 1

 

Chính Đức Ki-tô đã ban cho kẻ này làm Tông Đồ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.

1 Thưa anh em, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. 2 Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại ; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. 3 Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. 4 Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. 5 Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. 6 Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người, và trong mọi người.

7 Nhưng mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tuỳ theo mức độ Đức Ki-tô ban cho. 11 Và chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. 12 Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Ki-tô, 13 cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô.

Đáp ca

Đ.Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu.
Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm.
Ngày qua mách bảo cho ngày tới,
đêm này kể lại với đêm kia.

Đ.Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu.
Chẳng một lời một lẽ,
chẳng nghe thấy âm thanh,
mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu
và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.

Đ.Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu.

Tung hô Tin Mừng

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lạy Thiên Chúa, chúng con xin ca ngợi hát mừng, tuyên xưng Ngài là Đức Chúa. Lạy Chúa, bậc Tông Đồ đồng thanh ca ngợi Chúa. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng

 

Anh hãy theo tôi. Ông Mát-thêu đứng dậy đi theo Đức Giê-su.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

9 Khi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông : “Anh hãy theo tôi !” Ông đứng dậy đi theo Người.

10 Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và người tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. 11 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng : “Tại sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi ?” 12 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói : “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. 13 Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này : Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

Ca hiệp lễ

Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương,

mây hãy đổ mưa, mưa Đấng Công Chính,

Đất rộng mở, cho xuất hiện Vị Cứu Tinh.

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Thầy Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên khi họ đang làm việc.
Người thì đang quăng lưới ngoài khơi,
kẻ thì đang vá lưới trong thuyền (Mt 4, 18-22).
Khi Thầy gọi Mátthêu, anh cũng đang làm việc ở trạm thu thuế.
Anh đang ngồi, vững vàng trong nghề nghiệp của mình,
dù nghề của anh thường bị coi là nghề rất xấu.
Thầy Giêsu như tình cờ đi ngang qua bàn làm việc của anh.
Ngài chỉ nói một câu rất ngắn: “Anh hãy theo tôi!”
Mátthêu không đáp lại, nhưng anh trả lời bằng hành động.
Từ vị thế đang ngồi, anh bỏ dở công việc để đứng lên và theo Thầy.
Từ vị thế vững vàng, anh bắt đầu bước vào cuộc phiêu lưu bấp bênh.
Từ vị thế của tội nhân, anh trở thành người môn đệ thân thiết.

Mátthêu nằm trong danh sách nhóm Mười Hai (Mt 10, 3).
Thầy Giêsu không sợ mất tiếng khi nhận anh vào nhóm.
Nhóm của Thầy không chỉ gồm những người thánh thiện,
nhưng có cả những tội nhân giàu lòng hoán cải.
Mátthêu có đóng góp gì cho nhóm Mười Hai không?
Nghề thu thuế với giấy bút có giúp gì cho các ngư phủ ít học không?
Hôm nay chúng ta mừng lễ Tông đồ Mátthêu,
người thu thuế trở nên Tác giả sách Tin Mừng.
Mátthêu làm nghề bị đồng bào của ông khinh miệt,
vì nghề này dễ dẫn người ta đến chỗ lạm thu, bỏ tiền vào túi riêng.
Nghề này còn là một sỉ nhục vì cộng tác với ngoại bang bóc lột dân,
đụng chạm đến đồng tiền ô uế và tiếp xúc với dân ngoại.
Khi trở nên môn đệ của Thầy, Mátthêu đã trở nên người phục vụ đồng bào.
Ông dùng khả năng của mình mà viết sách Tin Mừng.
Đây là Tin Mừng lớn mà ông loan báo: Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia.
Không phải chờ gì nữa, Đấng Mêsia đã đến rồi!
Ngài làm trọn những lời đã được loan báo trong Cựu Ước.

Mátthêu đã tìm ra ngôn ngữ để nói với Dân Chúa, sao cho họ hiểu được.
Ông đã trình bày dung mạo Đức Giêsu cho người cùng thời với ông.
Chúng ta cũng phải có khả năng giới thiệu Đức Giêsu cho người thời nay,
nghĩa là biết, hiểu và nói được ngôn ngữ của thế giới,
để thế giới nghe và hiểu được.
Chúng ta vẫn phải tiếp tục viết các sách Tin Mừng cho thời đại hôm nay,
phù hợp với não trạng và tâm thức của họ, với nền văn hóa đương đại.
Đâu là khuôn mặt Đấng Cứu độ mà con người hôm nay ngóng chờ ?
Con người thời nay khỏe mạnh về nhiều mặt,
nhưng vẫn là người đau ốm cần đến thầy thuốc (c. 12).
Họ mong mình được giải phóng khỏi điều gì ?
Đức Giêsu Kitô có thể đáp ứng được những khao khát đó không?
Lời rao giảng và cuộc sống của chúng ta phải cho thấy
Đức Giêsu có thể chữa lành và đem lại một thế giới hạnh phúc.
Ước gì chúng ta có lòng nhân và sự bao dung như Đức Giêsu,
dám đồng bàn với con người hôm nay để dẫn họ đến bàn tiệc thiên quốc.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
xin sai chúng con lên đường
nhẹ nhàng và thanh thoát,
không chút cậy dựa vào khả năng bản thân
hay vào những phương tiện trần thế.

Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm :
rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,
chữa lành những người ốm đau.

Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng
với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý,
biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.

Xin ban cho chúng con khả năng
đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.

Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ
của bao người đau khổ thể xác tinh thần.

Lạy Chúa Giêsu,
thế giới thật bao la
mà vòng tay chúng con quá nhỏ.
Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau
mà tin tưởng lên đường,
nhẹ nhàng và thanh thoát.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Ngày 2022-09-22

Thứ Năm Tuần XXV Mùa Thường Niên

Gv 1,2-11; Lc 9,7-9

Thứ Năm Tuần 25 TN

Ca nhập lễ

Chúa phán : “Ta là Đấng cứu độ dân Ta,

trong mọi cơn gian nan thử thách,

nếu chúng kêu cầu Ta,

Ta sẽ thương nhận lời,

và cho đến muôn đời muôn thuở,

Ta sẽ là Chúa Trời của chúng.”

Bài đọc 1

 

Dưới ánh mặt trời, nào có chi mới lạ ?

Bài trích sách Giảng viên.

2 Ông Cô-he-lét nói : “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. 3 Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời ? 4 Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất mãi mãi trường tồn. 5 Mặt trời mọc rồi lặn ; mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên. 6 Gió thổi xuống phía nam, rồi xoay về phía bắc : gió xoay lui xoay tới rồi gió đi ; gió trở qua trở lại lòng vòng. 7 Mọi khúc sông đều xuôi ra biển, nhưng biển cũng chẳng đầy. Sông chảy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp tục. 8 Chuyện gì cũng nhàm chán, chẳng thể nói gì hơn. Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới.

9Điều đã có, rồi ra sẽ có, chuyện đã làm, rồi lại sẽ làm ra :
dưới ánh mặt trời, nào có chi mới lạ ?

10 “Nếu có điều gì đáng cho người ta nói : ‘Coi đây, cái mới đây này !’, thì điều ấy đã có trước chúng ta từ bao thế hệ rồi. 11 Chẳng ai còn nhớ đến người xưa, và đối với những người đến sau thì cũng thế ; các thế hệ mai sau sẽ chẳng còn nhớ đến họ.”

Đáp ca

 

Đ.Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.

3Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi,
Ngài phán bảo : “Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi !”
4Ngàn năm Chúa kể là gì,
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi !

Đ.Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.

5Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,
như cỏ đồng trổi mọc ban mai,
6nở hoa vươn mạnh sớm ngày,
chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.

Đ.Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.

12Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.
13Lạy Chúa, xin trở lại ! Ngài đợi đến bao giờ ?
Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây.

Đ.Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.

14Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa,
để ngày ngày được hớn hở vui ca.
17Xin cho chúng con được vui hưởng
lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con.
Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố,
xin củng cố việc tay chúng con làm.

Đ.Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.

Tung hô Tin Mừng

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng

 

Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi ! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế ?

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

7 Khi ấy, tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói : “Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy.” 8 Kẻ khác nói : “Ông Ê-li-a xuất hiện đấy !” Kẻ khác nữa lại nói : “Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại.” 9 Còn vua Hê-rô-đê thì nói : “Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi ! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế ?” Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, Ngài đã ban huấn lệnh,

truyền chúng con tuân giữ vẹn toàn.

Ước mong sao con hằng vững bước

theo thánh chỉ Ngài ban.

Suy niệm và cầu nguyện

 Suy niệm

Đức Giêsu với các môn đệ của Ngài đã nổi tiếng ở vùng Galilê,
qua các hoạt động rao giảng và chữa bệnh.
Tiếng đồn về Ngài ngày càng lan rộng (Lc 5, 15).
Điều đó hẳn đã đến tai của Hêrôđê (c. 7),
vị tiểu vương cai quản vùng Galilê trong hơn bốn mươi năm (Lc 3, 1).
Hêrôđê bối rối và lúng túng trước những tin mình nhận được.
Ông đã cho chém đầu Gioan Tẩy giả, kẻ được coi là ngôn sứ (c. 9).
Bây giờ lại nổi lên một người khác tên là Giêsu.

Người ta đồn đãi nhiều về nhân vật Giêsu này.
Có một số người nói ông này là Gioan bị chém đầu nay sống lại.
Có những người khác nói đó là ông Êlia tái giáng
sau khi đã được đưa về trời trong cơn gió lốc (2V 2, 11).
Cũng có những kẻ nói Giêsu là một ngôn sứ nào đó thời xưa sống lại.
Quả thật nhìn việc làm, lời giảng và lối sống của Giêsu,
người ta dễ thấy Ngài là một ngôn sứ (x. Lc 7, 16-17).
Mà chính Đức Giêsu cũng nhận mình là ngôn sứ (Lc 4, 24; 13, 33).

“Ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?”
Hêrôđê tò mò muốn biết Ngài là ai.
Ông không tin Đức Giêsu là Gioan bị chém đầu, nay sống lại.
Và ông tìm cách gặp mặt Ngài (c. 9).
Hêrôđê đã được gặp Đức Giêsu trong cuộc Khổ Nạn (Lc 23, 6-12).
Lúc ấy Ngài xuất hiện trong tư cách một phạm nhân.
Dù vậy Hêrôđê cũng vui sướng vì ước ao của mình được thỏa nguyện.
Ông đã nghe Ngài làm được những phép lạ lớn lao,
nên ông ước mong được chứng kiến tận mắt một vài phép lạ.
Tiếc thay Đức Giêsu đã không muốn chiều Hêrôđê.
Ngài đã không trả lời ông, cũng chẳng làm một phép lạ nào.
Ngài thanh thản bình an trước những lời tố cáo của các thượng tế.
Ngài không muốn tránh cái chết mà Ngài biết nằm trong ý định của Cha.

“Ông này là ai ?”, Hêrôđê đã tìm thấy câu trả lời khiến ông bị hụt hẫng.
Giêsu chỉ là một anh khờ dại, chỉ đáng bị khinh bỉ và chế giễu.
Cuộc tìm kiếm với nhiều tò mò của Hêrôđê kết thúc.
Ông chẳng bao giờ biết được Đức Giêsu thật sự là ai.
Nhiều người đã đặt câu hỏi: “Ông Giêsu này là ai?” (Lc 5,21; 7,49; 8,25).
Hôm nay nhân loại vẫn đặt câu hỏi quan trọng đó.
Để trả lời, phải bước vào một cuộc hành trình, bỏ lại những thành kiến.
Tò mò, thích những điều giật gân, muốn thấy những điều lạ thường:
tất cả những điều ấy không giúp ta khám phá mầu nhiệm một con người.
Sự thật về Giêsu có khi lại được nhận ra qua cái im lặng cam chịu,
qua sự bất lực đớn đau trên thập giá hơn là qua sự thi thố quyền năng.
Phải đổi toàn bộ cái nhìn của mình để nhận ra được Giêsu là ai,
để không vội vã đánh giá Ngài dựa trên tiêu chuẩn người đời.
Như Hêrôđê, chúng ta có thể có cơ hội gặp mặt Giêsu,
nhưng vẫn không biết Ngài là ai.

Cầu nguyện

Lạy Chúa,
khi đến với Chúa
con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con
con cởi bỏ đồng hồ: thời khóa biểu của con,
con đóng lại bút viết: các quan điểm của con,
con bỏ xuống chìa khóa: sự an toàn của con,
để con được ở một mình với Ngài,
lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.

Sau khi được ở với Ngài,
con sẽ xỏ giày vào
để đi theo đường của Chúa,
con sẽ đeo đồng hồ
để sống trong thời gian của Chúa,
con sẽ đeo kính vào
để nhìn thế giới của Chúa,
con sẽ mở bút ra
để viết những tư tưởng của Chúa,
con sẽ cầm chìa khóa lên
để mở những cánh cửa của Chúa.

(Graham Kings)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Ngày 2022-09-23

Thứ Sáu Tuần XXV Mùa Thường Niên

Gv 3,1-11; Lc 9,18-22

Thứ Sáu Tuần 25 TN

 

Ca nhập lễ

Chúa phán : “Ta là Đấng cứu độ dân Ta,

trong mọi cơn gian nan thử thách,

nếu chúng kêu cầu Ta,

Ta sẽ thương nhận lời,

và cho đến muôn đời muôn thuở,

Ta sẽ là Chúa Trời của chúng.”

Bài đọc 1

 

Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời.

Bài trích sách Giảng viên.

1Ở dưới bầu trời này,
mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời :

2một thời để chào đời, một thời để lìa thế ;
một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây ;

3một thời để giết chết, một thời để chữa lành ;
một thời để phá đổ, một thời để xây dựng ;

4một thời để khóc lóc, một thời để vui cười ;
một thời để than van, một thời để múa nhảy ;

5một thời để quăng đá, một thời để lượm đá ;
một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn ;

6một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất ;
một thời để giữ lại, một thời để vất đi ;

7một thời để xé rách, một thời để vá khâu ;
một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng ;

8một thời để yêu thương, một thời để thù ghét ;
một thời để gây chiến, một thời để làm hoà.

9 Làm lụng vất vả thì được lợi lộc gì ? 10 Tôi nhìn thấy công việc mà Thiên Chúa giao cho con người phải gắng sức làm. 11 Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc. Thiên Chúa cũng ban cho con người biết nhận thức về vũ trụ, tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử.

Đáp ca

 

Đ.Chúc tụng Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn.

1aChúc tụng Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn,2abcChúa là đồng minh, là đồn luỹ che chở,
là thành trì bảo vệ, là Đấng giải thoát tôi.
Chúa là khiên mộc cho tôi ẩn núp.

Đ.Chúc tụng Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn.

3Lạy Chúa, con người có là chi, mà Chúa cần biết đến ?
Phàm nhân đáng là gì, mà Chúa phải lưu tâm ?
4Ấy con người khác chi hơi thở,
vùn vụt tuổi đời tựa bóng câu.

Đ.Chúc tụng Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn.

Tung hô Tin Mừng

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Con Người đến để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng

 

Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu đau khổ nhiều.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

18 Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng : “Dân chúng nói Thầy là ai ?” 19 Các ông thưa : “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” 20 Người lại hỏi : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” Ông Phê-rô thưa : “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” 21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.

22 Người còn nói : “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, Ngài đã ban huấn lệnh,

truyền chúng con tuân giữ vẹn toàn.

Ước mong sao con hằng vững bước

theo thánh chỉ Ngài ban.

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu đã đi cầu nguyện một mình,
trước khi đặt những câu hỏi quan trọng cho các môn đệ.
“Dân chúng nói Thầy là ai ?” (c. 18).
Ngài muốn biết dư luận nghĩ gì về mình.
Nói chung họ nghĩ Ngài là một ngôn sứ đầy quyền năng (x. Lc 24, 19).
Điều đó đúng nhưng không đủ.
Đức Giêsu mong nghe ý kiến của những người đã ở gần Ngài hơn.
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (c. 20).
Phêrô đại diện anh em trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.”
Câu trả lời này đúng hơn và đủ hơn,
nhưng cũng dễ gây hiểu lầm và chưa đến lúc cần công bố.
Chính vì thế Đức Giêsu đã cấm các môn đệ không được tiết lộ (c. 21).

Phêrô đã trả lời đúng, vì Thầy Giêsu quả là Đấng Kitô
hay còn gọi là Đấng Mêsia mà dân Do Thái mong đợi từ bao đời.
Nhưng Phêrô có thể hiểu sai khuôn mặt của Đấng Mêsia đó.
Mêsia Giêsu không phải là người sẽ giải phóng Ítraen khỏi ách Rôma,
cũng không phải là người muốn nắm quyền lực trần thế.
Nhưng Ngài sẽ phải chịu khổ hình và bị giết chết bởi giới lãnh đạo (c. 22).
Mêsia Giêsu mang khuôn mặt đau khổ của Người Tôi Trung.
Phêrô đã đi theo Mêsia nào?
Nếu ông biết số phận bi đát đang chờ đợi Thầy của ông,
ông có còn muốn theo Ngài nữa không?

“Còn con, con bảo Thầy là ai?”
Đức Giêsu cũng hỏi từng người chúng ta như vậy, nhiều lần trong đời.
Tôi phải trả lời, vì tôi không nên đi theo Đấng mà tôi không biết là ai.
Tôi nghe câu hỏi trên ở mọi chặng đường của cuộc sống,
và có thể đưa ra những câu trả lời khác nhau, dựa trên kinh nghiệm,
bởi lẽ Đức Giêsu là một Mầu nhiệm không ngừng mở ra cho tôi.
Qua từng biến cố trong đời, tôi lại khám phá ra những nét mới nơi Ngài.
Ngài vẫn là một, nhưng mang nhiều dáng dấp khác nhau khi đến với tôi,
để đáp lại những khát vọng sâu thẳm nơi trái tim.

Nhưng trả lời câu hỏi của Thầy Giêsu không hẳn đã là điều quan trọng.
Điều quan trọng là sống câu trả lời của mình.
Đời tôi là một chuỗi những câu trả lời cho câu hỏi đó.
Nếu tôi coi Ngài là Thầy, xin được ngồi nghe và để Thầy uốn nắn.
Nếu tôi coi Ngài như Bạn, xin được dành giờ để tâm sự, sẻ chia.
Nếu tôi tin Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người,
xin được cúi đầu thờ lạy trước tình yêu khiêm hạ.
Nếu tôi gọi Ngài là Chúa, xin được hiến trọn đời mình
để cùng Ngài phục vụ cho kế hoạch cứu độ của Cha.
Nếu tôi gọi Ngài là Đấng Giải Phóng, xin Ngài cho tôi được tự do,
và cho tôi được cộng tác với Ngài giúp thế gian ra khỏi vòng nô lệ.
Cuối cùng, nếu tôi biết rõ Ngài yêu tôi cách độc nhất,
xin để cho đời mình đáp lại tình yêu.

Cầu nguyện

Xin hãy dẫn dắt con
đi từ cõi chết đến sự sống,
từ lầm lạc đến chân lý.

Xin hãy dẫn dắt con
đi từ thất vọng đến hy vọng,
từ sợ hãi đến tín thác.

Xin hãy dẫn dắt con
đi từ ghen ghét đến yêu thương,
từ chiến tranh đến hòa bình.

Xin hãy đổ đầy bình an
trong trái tim chúng con,
trong thế giới chúng con,
trong vũ trụ chúng con.

(Mẹ Têrêxa Calcutta)

  Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Ngày 2022-09-24

Thứ Bảy Tuần XXV Mùa Thường Niên

Gv 11,9-12,8; Lc 9,43b-45

Thứ Bảy Tuần 25 TN

 

Ca nhập lễ

Chúa phán : “Ta là Đấng cứu độ dân Ta,

trong mọi cơn gian nan thử thách,

nếu chúng kêu cầu Ta,

Ta sẽ thương nhận lời,

và cho đến muôn đời muôn thuở,

Ta sẽ là Chúa Trời của chúng.”

Bài đọc 1

 

Giữa tuổi thanh xuân, bạn hãy tưởng nhớ Đấng đã dựng nên mình. Đừng chờ đến khi bụi đất lại trở về với đất.

Bài trích sách Giảng viên.

119Này bạn thanh niên,
cứ vui hưởng tuổi xuân của bạn,
và làm cho tâm hồn được hạnh phúc
trong những ngày còn trẻ :
cứ chiều theo ước muốn của lòng mình
và những gì mắt mình ưa thích.
Nhưng bạn phải biết rằng :
về tất cả những điều đó,
Thiên Chúa sẽ gọi bạn ra xét xử.

10Hãy đẩy lui sầu não khỏi tâm hồn,
khử trừ đớn đau khỏi thân xác,
vì tuổi trẻ đầu xanh đều là phù vân cả.

121Giữa tuổi thanh xuân,
bạn hãy tưởng nhớ Đấng đã dựng nên mình.
Đừng chờ đến ngày tai ương ập tới,
đừng chờ cho năm tháng qua đi,
những năm tháng mà rồi bạn sẽ phải nói :
“Tôi chẳng có được một niềm vui nào trong thời gian đó cả !”

2Đừng chờ đến khi mặt trời với ánh sáng,
mặt trăng cùng tinh tú đều trở thành tối tăm,
và mây đen tụ lại khi cơn mưa đã dứt.

3Ngày ấy, người giữ nhà sẽ run lẩy bẩy,
chàng trai vạm vỡ phải khòm lưng,
các cô xay bột không còn xay tiếp vì không đủ người xay,
các bà nhìn qua cửa sổ : chỉ nhìn thấy lờ mờ.

4Ngày ấy, cánh cửa ngó ra đường sẽ đóng lại,
tiếng cối xay bột từ từ nhỏ đi,
người ta trỗi dậy khi vừa nghe tiếng chim hót
và mọi cô ca sĩ sẽ phải lặng thinh.

5Ngày ấy, đường hơi dốc cũng làm người ta sợ,
chân bước đi mà lòng thật kinh hoàng.
Ngày ấy, hoa hạnh đào nở ra trắng xoá,
loài châu chấu trở nên chậm chạp nặng nề,
trái bạch hoa hết còn hương vị.
Bởi vì con người tiến đến nơi ở ngàn thu,
bên đường đầy những người khóc than ai oán.

6Đừng chờ đến khi chỉ bạc đứt, bình vàng vỡ,
vò nước bể ngay tại hồ chứa nước,
ròng rọc gãy, vụt rơi xuống giếng sâu.

7Đừng chờ đến khi bụi đất lại trở về với đất,
khi phàm nhân trả lại cho Thiên Chúa
hơi thở Người đã ban cho mình.

8Ông Cô-he-lét nói :
“Phù vân, quả là phù vân, mọi sự đều là phù vân cả !”

Đáp ca

 

Đ.Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.

3Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi,
Ngài phán bảo : “Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi !”
4Ngàn năm Chúa kể là gì,
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi !

Đ.Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.

5Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,
như cỏ đồng trổi mọc ban mai,
6nở hoa vươn mạnh sớm ngày,
chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.

Đ.Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.

12Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.
13Lạy Chúa, xin trở lại ! Ngài đợi đến bao giờ ?
Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây.

Đ.Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.

14Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa,
để ngày ngày được hớn hở vui ca.
17Xin cho chúng con được vui hưởng
lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con.
Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố,
xin củng cố việc tay chúng con làm.

Đ.Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.

Tung hô Tin Mừng

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đấng Cứu Độ chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng

 

Con Người sắp bị nộp vào tay người đời. Các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

43b Khi ấy, đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm, thì Người nói với các môn đệ rằng : 44 “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây : Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” 45 Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, Ngài đã ban huấn lệnh,

truyền chúng con tuân giữ vẹn toàn.

Ước mong sao con hằng vững bước

theo thánh chỉ Ngài ban.

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ hai.
Bài này nằm ngay sau chuyện Đức Giêsu trừ quỷ cho một bé trai.
Quyền năng trừ quỷ của Ngài làm mọi người kinh ngạc, bỡ ngỡ (c. 43).
Chính vào giây phút thành công vẻ vang này,
Đức Giêsu lại bất ngờ tiên báo về cuộc Thương Khó sắp đến.
“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (c. 44).
Một Giêsu đầy uy lực sẽ phải lùi bước trước một thế lực khác.
Một Giêsu có quyền năng cao cả của Thiên Chúa lại phải chịu thua.
Hẳn lời tiên báo này đã làm các môn đệ hết sức bối rối.
Thánh Luca nhấn mạnh đến chuyện họ không hiểu:
“Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó bị che khuất khỏi các ông,
đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa” (c. 45).
Điều gì đã che khuất ý nghĩa của lời Đức Giêsu tiên báo
về việc mình sắp bị nộp, phải chịu đau khổ và chịu chết?

Lý do đầu tiên có thể là lòng ham muốn quyền lực.
Ngay sau đoạn Tin Mừng này, các môn đệ vẫn loay hoay với vấn đề
ai là người lớn nhất trong nhóm (c. 46).
Sau bữa Tiệc ly, Đức Giêsu đã nhận mình là người phục vụ (Lc 22, 27).
Việc phục vụ suốt đời này lên đến cao điểm nơi cái chết hy sinh.
Các môn đệ thì chỉ thích làm lớn, làm đầu, hơn là phục vụ,
nên chẳng lạ gì nếu họ không hiểu được con đường Thầy sắp đi,
con đường hẹp, nơi cái tôi như bị xóa bỏ, để hiến dâng.

Có lý do khác khiến các môn đệ không hiểu được lời tiên báo của Thầy.
Đó là khi quá nôn nóng mong đợi ngày Thầy đến trong vinh quang,
họ đã quên việc Thầy phải trải qua khổ đau và cái chết trước đã.
Họ tưởng Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi (Lc 19, 11),
và tưởng Thầy Giêsu sẽ cứu chuộc Ítraen ngay lập tức (Lc 24, 21).
Ngay sau khi Đức Giêsu phục sinh, họ đã hỏi Ngài (Cv 1, 6):
“Có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?”
Các môn đệ nóng lòng mong đợi vinh quang cho Thầy,
thật ra là mong đợi vinh quang cho chính họ.
Họ bị ám ảnh về quyền lực, cũng là ám ảnh về vinh quang,
nên thất bại và cái chết nhục nhã là điều họ khó hiểu và khó chấp nhận.

Như các môn đệ, chúng ta cũng không hiểu được
làm sao một ngôn sứ như Đức Giêsu lại có thể bị loại trừ và thủ tiêu.
Chúng ta không chấp nhận vai trò của đau khổ, nhục nhã và cái chết,
trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa (Lc 24, 25-27).
Đức Giêsu đã phải soi sáng cho hai môn đệ Emmau về mầu nhiệm này.
Chúng ta cũng phải đối diện với mầu nhiệm đau khổ nơi chính mình.
Và chúng ta thường thấy nó vô nghĩa, vô lý, vô duyên.
Đau khổ mãi mãi là một mầu nhiệm mà chúng ta muốn chối bỏ vì sợ hãi.
Kitô giáo đã không dạy ta con đường tránh đau khổ bằng mọi giá.
Đức Giêsu đã giang tay đón lấy đau khổ với một tình yêu bao dung,
lập tức đau khổ ấy có ý nghĩa và nở hoa.

và tình yêu mênh mông của Đức Giêsu đối với nhân loại.
Nơi thập giá chúng ta thấy sự kinh khủng của tội ác con người,
và sự tha thứ vô bờ của Thiên Chúa.
Như thế là ta đã bắt đầu hiểu được ý nghĩa của thập giá và đau khổ.
Thật ra các môn đệ chỉ hiểu được cuộc Thương Khó nhờ Phục Sinh.
Khi sống lại, Chúa Giêsu cho tất cả những cái vô lý một ý nghĩa.
Khi được nếm trước mầu nhiệm phục sinh ngay từ đời này,
chúng ta thấy dễ đón nhận đau khổ hơn.

Hãy mạnh dạn hỏi Đức Giêsu về ý nghĩa cuộc Thương Khó của Ngài,
cuộc Thương Khó của cả nhân loại và của chính bản thân tôi.
Đừng sợ hỏi, nhưng “hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời Ngài nói” (c. 44).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu phục sinh
Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,
xin cho con biết sống
cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,

Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.
Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.
Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.
Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.
Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.
Vượt qua những thành kiến con có về người khác…

Chính vì Chúa đã phục sinh
nên con vui sướng và can đảm vượt qua,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh
gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng,
tin tưởng và niềm vui.

Ước gì ai gặp con
cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.

  Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Theo dõi
Thông báo
guest

4 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Bình chọn nhiều nhất
Inline Feedbacks
View all comments
Mr Huong (3 nhận xét)
Mr Huong (3 nhận xét)
4 years ago

xin vui lòng cho tôi hỏi. Làm sao để nghe được những bài “Audio phút cầu nguyện” của những tuần trước?

Xem thêm...

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors
Search in posts
Search in pages
Filter by Categories
Abouts
Audio Bài giảng
Bài giảng
Blog
Các Vua
Chúa Giêsu
Cựu ước
Gương Chúa Giêsu
Hạnh các Thánh
Hoạt hình
Hoạt hình Công giáo
Hôn nhân
Kinh thánh
Kinh Thánh 100 Tuần
Lời Chúa
Lòng thương xót Chúa
Mẹ Fatima
Mẹ Lộ Đức
Mẹ Maria
Mùa Chay
Mùa Giáng sinh
Mùa Phục sinh
Mùa thường niên
Mùa vọng
Phim Công giáo
Phim Cựu ước
Phim Giáo dục Đức Tin
Phim Giáo dục gia đình
Phim Tân ước
Phút cầu nguyện
Quà tặng cuộc sống
Sách Audio
Suy niệm
Suy niệm năm A
Suy niệm năm C
Tâm lý - Tình cảm
Tân Ước
Tạo dựng
Thần học Online
Thánh ca Mp3
Thánh Giuse
Thánh Nhân
Thủ lãnh
Tiên tri
Tin tức
Tổ phụ
Video Công giáo
Video Thánh ca
Video Ý nghĩa
VietCatholic New